Phạm Trung Linh: Chàng trai Việt “chinh phục” Big4 Malaysia!
Lần đầu tiên gặp Phạm Trung Linh, ít ai có thể nhận ra chàng trai mặc sơ mi, thắt cà-vạt vô cùng lịch thiệp đang đứng trước mặt mình mới chỉ là cậu sinh viên năm thứ 4 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khoa Kế toán- Kiểm toán. Với phong thái chững chạc đầy tự tin, Linh đã nhận lời phỏng vấn của AFA với cái nhắc khéo: “Chị cứ hỏi em gì cũng được, nhưng phải cho em kiểm duyệt trước khi xuất bản nhé ;)”. Với cái gật đầu nhanh chóng, buổi phỏng vấn chàng trai đã đỗ cả Big4 Việt Nam và đặc biệt là BDO Malaysia đã diễn ra với vô số những câu hỏi, câu trả lời “chẳng sợ thừa, chỉ sợ nói mãi mà vẫn thiếu, nghe mãi mà vẫn không đủ”.
Ảnh: Phạm Trung Linh – Cậu sinh viên trẻ đã nhận được “job offer” từ cả PwC và BDO Malaysia.
Em đã chuẩn bị từ rất lâu để có đủ khả năng ứng tuyển vào Big4
AFA: Chào Linh, chị được biết em đã vượt qua vòng phỏng vấn với BDO Malaysia và nhận được thư mời nhận việc. Trước khi chúc mừng em vì kết quả đáng mơ ước này, chị xin có một câu hỏi dành cho em: Vốn được mệnh danh là Big4 tại Malaysia, việc thi tuyển vào BDO đối với người dân bản địa còn khó khăn, thì Linh – vốn học tập, sinh sống tại Việt Nam lại có thể biết đến và apply thành công vào công ty này?
Phạm Trung Linh: Em cảm ơn chị. Thật ra cơ duyên để em biết đến BDO Malaysia là thông qua chương trình EXPANDING HORIZON của ICAEW Việt Nam. Đây là chương trình tuyển dụng các học viên thuộc chương trình ICAEW CFAB tại Việt Nam với các doanh nghiệp được ICAEW ủy quyền bao gồm: Các công ty Kiểm toán quốc tế như Big4: Deloitte, EY, KPMG, PwC, BDO Malaysia… cùng một số các ngân hàng và doanh nghiệp lớn có văn phòng/chi nhánh tại Việt Nam và Malaysia.
– Em cũng như các bạn học viên CFAB ngay khi có thông tin đã gửi CV để apply và đến vòng phỏng vấn cuối cùng thì chọn ra 3 người, em là một trong 3 bạn còn lại đó. Quá trình phỏng vấn cũng không quá thiên về chuyên môn mà đa số câu hỏi là về em có phù hợp để làm việc cho BDO Malaysia hay không? Tại sao em học bằng cấp của ICAEW chứ không phải một bằng cấp khác? Trình độ tiếng anh của em thế nào? Đã chuẩn bị để đi làm ở nước ngoài xa gia đình, trong môi trường nói tiếng anh chưa? Vì intern tại EY, học hỏi được rất nhiều từ các sếp ở đây về kế toán, kiểm toán, cũng như viết hoàn toàn bằng tiếng anh khi thực hiện giấy tờ làm việc nên cũng là một lợi thế lớn để em nhận được “offer letter” ngay sau buổi phỏng vấn với BDO Malaysia..
AFA: Chị nghĩ em nói là cơ duyên cũng đúng nhưng chắc chắn không phải do may mắn ngẫu nhiên đúng không Linh? Để có thể trở thành nhân viên của Big4 đòi hỏi em cần có nền tảng kiến thức chuyên môn và kỹ năng Tiếng Anh khá tốt. Em có thể bật mí một chút bí quyết khiến em có thể nhận được cái “gật đầu” từ các Big4 không?
Phạm Trung Linh: Em nghĩ bí quyết ở đây là biết mình muốn đi đâu, làm gì, có được một hướng đi đúng đắn về con đường phát triển sự nghiệp và cố gắng hết mình để thực hiện kế hoạch đã đề ra. Mặc dù em học khoa kiểm toán, nhưng trước kia em không nghĩ mình sẽ làm kiểm toán, cũng do rất nhiều lý do như hồi năm nhất em nghĩ kiểm toán, kế toán là một nên chắc nó nhàm chán, hay hồi mới vào trường nghĩ mình chẳng thể nào vào Big4 được … em cũng đã trải nghiệm qua một số nghề và rất may mắn là em đều có cơ duyên gặp được những người thầy giỏi, bây giờ họ rất nổi tiếng hoặc đào tạo ra những học trò nổi tiếng. Em đã học được từ họ rất nhiều và chắc chắn sẽ còn áp dụng được rất nhiều sau này.
– Sau khi trải nghiệm và tìm hiểu kĩ hơn, em nghĩ rằng kiểm toán hiện tại là ngành nghề phù hợp với mình nhất vào thời gian này. Rất may mắn là khi ấy AFA có chương trình định hướng nghề nghiệp, và may mắn hơn là hôm đó trời mưa, theo kế hoạch thì có 5 bạn sẽ tham gia nói chuyện tư vấn nghề nghiệp với anh Phan Lê Thành Long, nhưng một mình em đến đúng giờ nên em đã ngồi hỏi han, làm phiền anh ấy cả hai tiếng đồng hồ.
– Từ sau buổi ấy thì em đã có định hướng nghề nghiệp khá rõ ràng về ngành kế toán kiểm toán. Sau đó, em lại có cơ duyên được một người bạn là chị Ngân giới thiệu cho học ICAEW. Hôm đó em đến nhờ chị ấy sửa CV để thi một chương trình học bổng của một Big4 – kí cam kết làm việc 2 năm với họ ngay từ năm 3 và tài trợ học 3 môn đầu của một bằng nghề nghiệp khác, chị ấy bảo qua bên này phỏng vấn thử một học bổng khác luôn – đó là chương trình học bổng của ICAEW và AFA. Sau khi biết về học bổng của ICAEW thì em đã cân nhắc rất nhiều, tìm hiểu trên mạng cũng như hỏi han bạn bè, người quen. Bạn bè em thì đa số khuyên không nên học bảo là ICAEW thì còn mới quá, học chương trình khác cũng được, cứ thi học bổng Big4 kia đã. Nhưng cuối cùng, em quyết định không thi học bổng của Big 4 kia nữa và quyết tâm học và rèn luyện để sau này thi Big4 khác.
– Quả thật thời gian đó, em rất lo lắng vì đã bỏ lỡ một cơ hội thi Big4 tốt như thế. Nhưng sau này nhìn lại thì thấy đó là một lựa chọn đúng đắn. Chỉ trong hơn một năm em đã tăng GPA trên trường từ rất “thảm hại” thành bằng giỏi, vừa học và thi Ielts, vừa học hết 6 môn CFAB và tự học kế toán, kiểm toán và excel nữa. Như vậy, em đã có đủ kiến thức, kĩ năng và tiếng anh, bằng cấp để thi đỗ các Big 4 Việt Nam và sau này là BDO Malaysia.
Phỏng vấn tại Big4 không quá khó như bạn nghĩ
Clip: Phỏng vấn trực tiếp Phạm Trung Linh: Bí quyết vượt qua vòng phỏng vấn Big4
AFA: Được intern tại EY, sau đó vào vòng Final tại Deloitte, nhận offer letter từ PwC Việt Nam cùng lúc với BDO Malaysia – Chắc hẳn em đã có kinh nghiệm về quy trình tuyển dụng tại các Big4 này, em có thể kể lại những vòng thi em đã trải qua không?
Phạm Trung Linh: Quá trình tuyển dụng ở các firm kiểm toán về cơ bản chỉ là nhằm tuyển người làm được việc. Vì vậy nếu các bạn có đủ kiến thức, kĩ năng để có thể làm tốt công việc kiểm toán và có một thái độ tốt thì hoàn toàn có thể vượt qua các vòng thi tuyển để trở thành nhân viên của một công ty kiểm toán nào đó.
Em đã tham gia thi tuyển ở 3 firm Big4 Việt Nam là EY, Deloitte., PwC và một firm khu vực là BDO Malaysia nên em xin phép được chia sẻ quá trình thi tuyển ở các firm Việt Nam, còn BDO Malaysia thì bạn nào sau này phỏng vẩn với firm khu vực có thể liên lạc trực tiếp với em, em sẽ nhiệt tình giúp đỡ. Dù ở tham gia ứng tuyển ở bất kì firm nào thì nộp hồ sơ sớm nhất có thể, ăn mặc lịch sự ở tất cả các vòng và quan tâm đến bề ngoài của mình là những bí quyết nho nhỏ giúp bạn thành công trong quá trình tuyển dụng. (Có nhiều bạn em, có hồ sơ rất đẹp nhưng có thói nộp hồ sơ muộn nên nhiều firm không cho qua vòng hồ sơ, thực sự là đáng tiếc).
Đối với EY:
– Với kinh nghiệm của em thì vòng khó nhất của EY là hồ sơ. Vì tỉ lệ loại hồ sơ của EY là rất cao so với 3 firm Big 4 khác vì vậy bạn phải nộp sớm hồ sơ nhất có thể và biết cách làm cho hồ sơ của mình dễ hiểu, đẹp cả về hình thức và nội dung. Vì mỗi đợt tuyển vào1 firm Big 4 có khoảng trên nghìn hồ sơ mà EY chỉ lấy rất ít ứng viên sang vòng test, năm em thi là khoảng hơn 200 ứng viên tham gia test đợt intern. Sau đó, EY có hai vòng là test và phỏng vấn cá nhân, nên cơ hội sau khi qua vòng hồ sơ của bạn rất cao. Vòng test của EY thời gian là 120 phút, đề kiểm tra kiến thức khá căn bản vào đợt intern, fresh thì khó hơn một tí về kế toán, kiểm toán, tài chính, iq, hiểu biết xã hội và viết essay.
– Qua vòng test là vòng phỏng vấn cá nhân, câu hỏi thì rất đa dạng, miễn sao bạn có thể làm vừa lòng người phỏng vấn là được. Thực ra, thì em cảm thấy câu hỏi phỏng vấn không có gì mới so với các câu kinh điển nếu bạn thực sự có thực lực thì chuẩn bị một tối là hoàn toàn có thể qua. Khi phỏng vấn kiểu này, em sợ nhất là những câu hỏi: Sở thích của em là gì? Em hãy nói về nội dung của môn học này trong bằng CFAB của em? Gặp những câu hỏi kiểu đó mà không chuẩn bị thì nhiều khả năng là trượt vì giám khảo thấy mình có vẻ không trung thực hoặc học trước quên sau. Thế là bị mất nhiều điểm rồi nên tốt nhất nên chuẩn bị trước, xem lại qua một lần các giáo trình và ôn lại sở thích của mình một tí( thích hát thì tập một bài tủ, thích làm thơ thì cố nhớ một bài thơ mình sáng tác). Vòng này cũng đôi phần là may mắn nhưng chỉ là đôi phần thôi, nên em khuyên các bạn nên tìm hiểu kĩ các firm và nộp nhiều firm một tí, với khả năng tốt thì em tin là sẽ có một firm lớn nhận các bạn.
Deloitte.:
– Deloitte. có nổi bật là vòng test rất khó. Bài test cũng có nội dung về kế toán, kiểm toán, tài chính, kiến thức xã hội, IQ và viết essay nhưng thời lượng thì 90 phút và đề dài nên ngoài việc nắm chắc kiến thức, ôn luyện đầy đủ thì bạn phải luyện quản lý thời gian. Tốt nhất là mượn một cái đồng hồ đeo tay mang đi để xem giờ cho chính xác, có một chiến lược làm bài phù hợp.
– Sau vòng test là vòng phỏng vấn nhóm: Sẽ có các Manager, Senior Manager và nhân sự của Deloitte. tham gia phỏng vấn nhóm với các bạn. Câu hỏi đưa ra thường liên quan đến kiểm toán. Vòng này chỉ kiểm tra kĩ năng làm việc nhóm và kiến thức của bạn nên nếu kĩ năng làm việc nhóm tốt, kiến thức vững và nếu biết trả lời câu hỏi một cách thông minh nữa thì bạn quá đủ điều kiện để qua vòng này.
– Vòng cuối cùng của DTT hôm em thi thì có 3 người: 1 Hr, 1 Partner, một Senior Manager. Rất áp lực vì có ba người hỏi bạn. Nếu hợp với công ty thì bạn có thể qua vòng này.
AFA: Cảm ơn Linh vì những chia sẻ rất thú vị về những vòng tuyển dụng tại EY và Deloitte. Vậy còn 2 Big còn lại: PwC và KPMG, Linh có những lời khuyên nào dành cho những bạn ứng viên muốn gia nhập vào đây không?
Phạm Trung Linh: Cũng giống như EY và Deloitte, thí sinh cũng phải qua vòng loại Hồ sơ, vòng Test , 1 vòng Group interview rồi mới đến vòng phỏng vấn trực tiếp với Director. Vì em không tham gia thi tuyển KPMG nên em sẽ chỉ chia sẻ về các vòng thi tại PwC thôi nhé chị.
PwC:
– Vòng hồ sơ của PwC thì khá nhẹ nhàng. PwC lần em thi có cả test online Numerical test và Verbal reasoning test, rất dễ, em nghĩ là không cần chuẩn bị gì.
– Vòng viết luận thì có một chủ đề viết essay trong 30 phút. Bài của em không màu mè gì, nhưng đủ ý và rất logic.
– Vòng group interview, thì có một chủ đề cho cả nhóm thảo luận, có nhân sự và các anh chị phòng kiểm toán quan sát và hỏi mấy câu hỏi sau khi thảo luận nhóm xong. Hôm em thi, chị nhân sự yêu cầu là không có team leader, không chia thành nhóm nhỏ. Em thì thấy cư xử đúng mực, làm việc nhóm tốt, biết góp ý cho ý kiến của nhóm và biết quản lý thời gian và ăn mặc lịch sự thì sẽ vượt qua thôi. Nhiều bạn nghĩ rằng tiếng anh chắc phải giỏi lắm thì mới vượt qua vòng viết luận và phỏng vấn nhóm, nhưng kinh nghiệm của em thấy thì tự tin mới là điều quan trọng, nhiều bạn đi du học về thi cùng em, nói tiếng anh rất hay nhưng vẫn trượt.
– Vòng phỏng vấn cá nhân, vòng này của PwC rất nhẹ nhàng, các anh chị rất thân thiên, hay ít ra là các anh chị phỏng vấn em như vậy. Cũng như công ty trên thôi, nếu bạn là đúng người họ cần thì bạn sẽ một chỗ tại PwC. Các vòng phỏng vấn cá nhân này, các bạn nên tìm hiểu kĩ về công ty và tốt nhất là hỏi anh chị làm trong đó, chức càng cao càng tốt. Như vậy là bạn đã được cộng rất nhiều điểm rồi. Như hôm em phỏng vấn PwC, em hỏi một số bạn làm PwC, các anh chị ex-PwC chị Senior Manager có hỏi là: Em còn câu hỏi nào khác không? Em chỉ hỏi một câu là bao giờ em đi làm để em còn sắp xếp việc học hành. Sau đó, chị ấy có hỏi vậy em muốn hỏi gì thêm nữa không? Em bảo là em nghĩ là đủ rồi ạ. Chị ấy bảo em một câu là: Em đã hiểu hết về PwC còn gì nhỉ ? Rồi chị ấy cười. Thực sự em khá buồn khi không được làm việc cho PwC vào tháng 8 tới vì em cảm nhận được sự chuyên nghiệp và thân thiện của PwC và chế độ phúc lợi, lương thưởng tốt hơn các firm khác thật.
Những điều trên chỉ là những chia sẻ rất chung chung về việc làm sao các bạn trở thành Big4er, tuy vậy, em vẫn luôn nhấn mạnh việc tăng cường thực lực của chính bạn ứng viên. Quan trọng vẫn là việc theo đuổi nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, tài chính, có nghĩa là dài hạn, còn việc có vào Big 4 hay không chưa chắc thực sự quan trọng. Điều này phải rất lâu em mới nhận ra được.
Ảnh: Phạm Trung Linh – Chàng trai đã “chinh phục” BDO Malaysia
Quản lý thời gian là bí quyết để thành công
AFA: Linh ơi, em có biết điều gì khiến chị ấn tượng nhất về em không? Mặc dù công việc của chị rất hay được nói chuyện với các bạn trẻ nhưng em là người đầu tiên chị gặp thấy chững chạc hơn tuổi rất nhiều. Lúc nào gặp Linh cũng thấy em đang mặc sơ mi rất lịch sự, điều đó vô hình chung khiến chị có cảm giác tin tưởng em ngay từ lần đầu nói chuyện. Đặc biệt nữa là chị cũng chưa bao giờ thấy em trễ hẹn. Chị có nhớ lần nào hẹn em, đúng giờ em sẽ có mặt, đến nỗi có một lần 10 phút chưa thấy Linh đâu, chị đã cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Ngay lập tức chị kiểm tra mail và biết em đã gửi mail thông báo em đến muộn do có việc đột xuất. Và đúng 10 phút sau em có mặt ngay. Vô cùng đúng hẹn, vô cùng chuyên nghiệp, em thật sự khiến chị rất ngưỡng mộ đấy Linh ạ.
Phạm Trung Linh: Không có gì đâu ạ, tất cả là do sự rèn luyện hàng ngày thôi chị. Khi chị có kế hoạch công việc, học tập rõ ràng, chị sẽ thấy mỗi giờ phút trôi qua đều quý giá. Với em việc đúng hẹn, giữ đúng giờ là thói quen giúp em quản lý thời gian tốt hơn. Điều đó cũng khiến em học chương trình ICAEW/CFAB song song với việc học trên trường không bị quá tải. Tiếp đó, khi chị đi làm Kiểm toán thì áp lực từ khối lượng công việc trong một ngày còn kinh khủng hơn rất nhiều. Vì thế nếu không chịu khó ngay từ lúc đi học, không chuẩn bị cho mình tinh thần làm việc chăm chỉ, chịu khó, đặc biệt là quản lý thời gian trong ngày hợp lý thì khi đi làm, chị sẽ dễ dàng bỏ cuộc vì quá mệt mỏi, không thể theo kịp team. Còn về việc ăn mặc, có lẽ là do sở thích cá nhân chăng (Cười). Khi mặc sơ mi, quần âu, đi giày da em cảm thấy đó là sự tôn trọng của em đối với công việc, với người đối diện. Tôn chỉ của em là “Hãy đối xử với người khác theo cách bạn mong muốn được nhận lại”.
AFA: Cảm ơn Linh vì những chia sẻ vô cùng ý nghĩa. Chị tin là với ý chí, bản lĩnh như vậy, tương lai của em sẽ còn giành được nhiều thành công hơn nữa. Chúc em sẽ trở thành một “Chartered Accountant” như em mong muốn.
Phạm Trung Linh: Em cảm ơn chị. Chúc chị và trung tâm AFA Research & Education sẽ ngày càng thành công hơn nữa, đào tạo được nhiều những học viên ICAEW/CFAB hơn để có thể nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các bạn sinh viên Việt Nam để có thể đạt được thành công không chỉ trong nước mà còn trên quốc tế.
(*) Chương trình ICAEW/CFAB: CFAB là chứng chỉ về Tài chính, Kế toán – Kiểm toán, Kinh doanh được công nhận trên toàn thế giới. Sở hữu chứng chỉ ICAEW CFAB sẽ giúp bạn đạt ước mơ trở thành thành viên của Big4 : Deloitte – PWC – E&Y – KPMG – 4 hãng Kiểm toán lớn nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. CLICK XEM NỘI DUNG CHI TIẾT
(*) Nhận học bổng “NHÂN TÀI HỘI TỤ” – Giành CƠ HỘI LÀM VIỆC tại Big4!: Chương trình được tài trợ bới ICAEW Việt Nam và AFA Research & Education sẽ trao học bổng trị giá lên đến 50 triệu đồng cho toàn bộ chương trình ICAEW/CFAB: TẠI ĐÂY
Ngay từ bây giờ bạn có thể đăng ký để nhận học bổng “Nhân tài hội tụ” 2020 bằng cách:
– Gửi CV chi tiết (bằng tiếng Anh hoặc Tiếng Việt) về địa chỉ e-mail: [email protected] hoặc [email protected] với tiêu đề “Đăng ký học bổng CFAB 2020 – [Tên học viên].
Thông tin chi tiết:
Lịch học các môn CFAB 2020: https://afa.edu.vn/danh-muc-khoa-hoc/icaew-cfab-aca/
Học bổng “Nhân tài hội tụ – ICAEW CFAB 2019″- Nâng bước thành công!: https://afa.edu.vn/hoc-bong-nhan-tai-hoi-tu-icaew-cfab-2019-nang-buoc-thanh-cong/